Bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư

Điều 50. Quy hoạch bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư
1. Quy hoạch bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư phải là một nội dung của quy hoạch đô thị,
khu dân cư.
2. Nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư bao gồm các quy hoạch về đất đai
cho xây dựng kết cấu hạ tầng bảo vệ môi trường và các hệ thống công trình kết cấu hạ tầng bảo
vệ môi trường sau đây:
a) Hệ thống công trình thu gom, xử lý nước thải tập trung; hệ thống tiêu thoát nước mưa; hệ
thống cơ sở thu gom, tập kết, xử lý, tái chế chất thải rắn;
b) Hệ thống cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất;
c) Hệ thống công viên, khu vui chơi, giải trí, công trình vệ sinh công cộng;
d) Hệ thống cây xanh, vùng nước;
đ) Khu vực mai táng.
3. Cấm xây dựng mới cơ sở sản xuất, kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ lớn về ô nhiễm, sự cố môi
trường trong đô thị, khu dân cư.
4. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm lập, phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi
trường theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với quy hoạch đô thị, khu dân cư.
 
Điều 51. Yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với đô thị, khu dân cư tập trung
1. Đô thị phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:
a) Có kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường phù hợp với quy hoạch đô thị, khu dân cư tập trung
đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
b) Có thiết bị, phương tiện thu gom, tập trung chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với khối lượng,
chủng loại chất thải và đủ khả năng tiếp nhận chất thải đã được phân loại tại nguồn từ các hộ
gia đình trong khu dân cư;
c) Bảo đảm các yêu cầu về cảnh quan đô thị, vệ sinh môi trường.
2. Khu dân cư tập trung phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:
a) Có hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường của
khu dân cư;
b) Có nơi tập trung rác thải sinh hoạt bảo đảm vệ sinh môi trường.
3. Chủ đầu tư xây dựng mới khu dân cư tập trung, chung cư phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu
về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1 Điều này thì mới được bàn giao đưa vào sử dụng.
 
Điều 52. Bảo vệ môi trường nơi công cộng
1. Tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các quy định về
bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh ở nơi công cộng; đổ, bỏ rác vào thùng chứa rác công cộng
hoặc đúng nơi quy định tập trung rác thải; không để vật nuôi gây mất vệ sinh nơi công cộng.
2. Tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, khu du lịch,
chợ, nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng, bến phà và khu vực công cộng khác có trách nhiệm sau
đây:
a) Niêm yết quy định về giữ gìn vệ sinh ở nơi công cộng;
b) Bố trí đủ công trình vệ sinh công cộng; phương tiện, thiết bị thu gom chất thải đáp ứng nhu
cầu giữ gìn vệ sinh môi trường;
c) Có đủ lực lượng thu gom chất thải, làm vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý.
3. Những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, quy định giữ gìn vệ sinh môi trường
nơi công cộng bị xử lý bằng các biện pháp sau đây:
a) Phạt tiền;
b) Buộc lao động vệ sinh môi trường có thời hạn ở nơi công cộng;
c) Tạm giữ phương tiện có liên quan gây ra ô nhiễm môi trường.
4. Uỷ ban nhân dân các cấp, lực lượng công an, đơn vị quản lý trật tự công cộng trong phạm vi
nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường
ở nơi công cộng theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định khác của
pháp luật có liên quan.
 
Điều 53. Yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình
1. Hộ gia đình có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường sau đây:
a) Thu gom và chuyển chất thải sinh hoạt đến đúng nơi do tổ chức giữ gìn vệ sinh môi trường
tại địa bàn quy định; xả nước thải vào hệ thống thu gom nước thải;
b) Không được phát tán khí thải, gây tiếng ồn và tác nhân khác vượt quá tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, sinh hoạt của cộng đồng dân cư xung quanh;
c) Nộp đủ và đúng thời hạn các loại phí bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;
d) Tham gia hoạt động vệ sinh môi trường khu phố, đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng và
hoạt động tự quản về bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư;
đ) Có công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh, an toàn đối
với khu vực sinh hoạt của con người;
e) Thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong hương ước, bản cam kết bảo vệ môi
trường.
2. Thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí gia đình văn
hóa.
 
Điều 54. Tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường
1. Nhà nước khuyến khích cộng đồng dân cư thành lập tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường
nơi mình sinh sống nhằm thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
a) Kiểm tra, đôn đốc các hộ gia đình, cá nhân thực hiện quy định về giữ gìn vệ sinh và bảo vệ
môi trường;
b) Tổ chức thu gom, tập kết và xử lý rác thải, chất thải;
c) Giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu phố, nơi công cộng;
d) Xây dựng và tổ chức thực hiện hương ước về bảo vệ môi trường; tuyên truyền, vận động
nhân dân xoá bỏ các hủ tục, thói quen mất vệ sinh, có hại cho môi trường;
đ) Tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh
doanh, dịch vụ trên địa bàn.
2. Tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường được thành lập và hoạt động dựa trên nguyên tắc tự
nguyện, cộng đồng trách nhiệm, tuân theo quy định của pháp luật.
3. Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quy định về hoạt động và tạo điều kiện để tổ chức tự
quản về bảo vệ môi trường hoạt động có hiệu quả.

Hãy bấm nút dưới đây để chia sẻ thông tin hữu ích này!